Chuyên đề:BIỆN PHÁP LỒNG GHÉP GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG VÀO DẠY HỌC LỊCH SỬ THCS
PHÒNG GD& ĐT ĐẠI LỘC
TRƯỜNG THCS HOÀNG VĂN THỤ
CHUYÊN ĐỀ
BIỆN PHÁP LỒNG GHÉP GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG
VÀO DẠY HỌC LỊCH SỬ THCS
I.ĐẶT VẤN ĐỀ
- Lý do chọn đề tài:
Môi trường là toàn bộ các điều kiện tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người, có tác dụng tới đời sống, sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật
Môi trường và con người có mối quan hệ mật thiết- mối quan hệ hữu cơ, tác đông tương hỗ trong suốt quá trình hình thành và phát triển con người.
Con người tự nó là một thành tố của môi trường, chịu tác động của môi trường đồng thời con người tác động trở lại môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hoặc cải tạo môi trường làm cho môi trường trở nên phong phú, đa dạng hơn và tiện nghi hơn…
Bảo vệ môi trường hiện là một mối quan tâm mang tính toàn cầu. Ở nước ta những năm gần đây , sự phát triển nhanh chóng về kinh tế-xã hội đx làm đổi mới xã hội Việt Nam. Chỉ số tăng trưởng kinh tế không ngừng nâng cao. Tuy vậy , sự phát triển kinh tế chưa đảm bảo cân bằng với việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, môi trường Việt Nam đang xuống cấp, nhiều nơi môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường được các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Ở ngành giáo dục- đào tạo xác định nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2011 cho giáo dục phổ thông là trang bị cho học sinh kiến thức, kĩ năng về môi trường vào bảo vệ môi trường bằng hình thức tích hợp vào các môn học ở cấp THCS trong đó có môn Lịch sử
Môn học Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức về sự phát triển của xã hội loài người. Quá trình phát triển của xã hội loài người là quá trinh con người đã tác động vào thế giới tự nhiên nên những thay đổi theo lịch trình thời gian từ thời nguyên thủy cổ đại đến nay. Vì vậy, môn học Lịch sử có khả năng góp phần thực hiện việc giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh.
Việc lồng ghép giáo dục môi trường vào dạy học lịch sử sao cho vừa đảm bảo mục tiêu theo tinh thần chỉ thị của Bộ trưởng bộ giáo dục là vấn đề đang được những giáo viên day lịch sử quan tâm suy nghĩ .
Chính vì lẽ đó nhóm giáo viên dạy sử trường THCS Hoàng Văn Thụ chúng tôi xin trao đổi cùng các thầy cô giáo một số biện pháp lồng ghép bảo vệ môi trường vào dạy học lịch sử cấp Trung học cơ sở
- Thực trạng:
- a.Thuận lợi:
Việc giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học lịch sử đã được các cấp quản lý chỉ đạo, triển khai thực hiện trong nhiều năm nay.
Năm học 2010 – 2011 Bộ giáo dục và đào tạo ban hành tài liệu “Giáo dục bảo vệ môi trường môn Lịch sử trung học cơ sở
b.Khó khăn:
Mặc dù đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm và được Bộ giáo dục hướng dẫn cụ thể bằng văn bản song cách tích hợp như thế nào cho phù hợp nội dung trong từng mục để không làm cho việc dạy học bộ môn nặng nề, quá tải là vấn đề không phải bất kỳ lúc nào giáo viên cũng làm được, làm tốt.
Môi trường là phạm trù bao la rộng lớn (Gồm môi trường sinh thái, môi trường xã hội học) việc xác định đúng nội dung cần lồng ghép trong từng mục không phải là vấn đề dễ dàng.
Việc cập nhật số liệu, thông tin về môi trường còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời.
II./ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Từ thực trạng trên theo chúng tôi để thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường vào dạy học lịch sử chúng ta nhất thiết phải thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Xác định nội dung giáo dục thuộc loại môi trường gì (môi trường sinh thái hay môi trường học) xác định đúng nội dung này giúp giáo viên có thể định hướng đúng địa chỉ để tích hợp.
Ví dụ ở bài 17: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40).
Giáo viên cần phải xác định được nội dung giáo dục qua bài thuộc môi trường sinh thái đó là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa, Vị trí địa thế mà Bà Trưng đã chọn làm nơi khởi nghĩa.
- Bước 2: Xác định địa chỉ tích hợp (mục nào của bài, phần nào trong mục) làm tốt việc này sẽ giúp giáo viên lựa chọn đúng kiến thức, kĩ năng cần tích hợp phù hợp với nội dung kiến thức của bộ môn tạo mối lôgíc trong bài giảng.
Ví dụ: Sau khi xác định nội dung giáo dục của bài cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40) là những nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa thì ở bước 2 giáo viên sẽ dễ dàng xác định đúng địa chỉ tích hợp: mục 2 Khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ, phần cần tích hợp đó là diễn biến cuộc khởi nghĩa.
- Bước 3: Xác định nội dung giáo dục (kiến thức kĩ năng) có thể tích hợp
Ví dụ: Bài 6: Các quốc gia phong kiến Đông Nam Á (lớp 7)
Sau khi giáo viên xác định được nội dung cần giáo dục thuộc loại môi trường sinh thái (Những điều kiện tự nhiên của khu vực) và môi trường xã hội học (mối quan hệ kinh tế, văn hoá của các dân tộc trong khu vực) thì giáo viên sẽ dể dàng hướng học sinh vào phân tích những điều kiện tự nhiên, quan hệ kinh tế, văn hoá của từng nước trong khu vực từ đó giúp các em thấy được tầm quan trọng của điều kiện tự nhiên, tinh thần đoàn kết của các dân tộc là điều kiên để phát triển kinh tế, xã hội trong thời đại.
- Bước 4: Chọn phương pháp tích hợp (lựa chon phương pháp tối ưu nhất) đây là bước quyết định sự thành công của tiết dạy, thể hiện năng lực của người giáo viên do vậy đòi hỏi phải cân nhắc khi lựa chọn phương pháp cho nội dung bài dạy.
Ví dụ: Khi phân tích tác động ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đói với sự phát triển lịch sử của Ai Cập cổ đại giáo viên miêu tả, tạo biểu tượng cho học sinh về sự phì nhiêu về đất đai ở lưu vực sông Nin nên cư dân Ai Cập thời cổ đại tuy còn sử dụng đồ đồng – đá chưa sử dụng phổ biến đồ sắt mà vẫn hình thành nhà nước. Bởi vì đất đai mềm, xốp, phì nhiêu, dể cày cấy đem lại năng suất cao, có của cải dư thừa chế độ tư hữu hình thành và nhà nước xuất hiện. Trái lại ở vùng ven Địa Trung Hải, đất xấu , khó canh tác nên không thể tiến hành thuận lợi cho nông nghiệp. Vùng đất này lại hợp với việc trồng các loại cây lưu niên: Nho, ô liu…nền thủ công nghiệp phát triển. Trời ở đây trong xanh ít có gió to, sóng lớn bão táp, thuyền có thể đi xa do đó việc buôn bán xa có thể thực hiện dễ dàng… đây là cơ sở cho chế độ chiếm hữu nô lệ hình thành.
Làm tốt 4 bước cơ bản trên giúp cho giáo viên thực hiện tiết dạy một cách nhẹ nhàng thoả mái nâng cao hiệu quả giờ dạy.
Trong khuôn khổ chuyên đề này chúng tôi chỉ đi sâu trình bày 4 bước . Trong đó các bước 1, 2, 3, là những bước giáo viên thực hiện trong qua trình chuẩn bị trong khi soạn giáo án cho tiết dạy trên lớp, nhằm thực hiện cách lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường như thế nào để đạt hiệu quả.
Ví dụ 1: bài 6- Văn hóa cổ đại ( lịch sử lớp 6)
Sau khi giáo viên cho học sinh tìm hiểu :
+ Những thành tựu văn hóa mà các dân tộc phương Đông cổ đại ?
+ Những thành tựu văn hóa mà các dân tộc phương Tây cổ đại ?
Sau khi học sinh tìm hiểu trả lời, giáo viên mô tả một số thành tựu tiêu biểu. Đồng thời, giáo dục cho học sinh biết trân trọng , có ý thức bảo vệ các di tích lịch sử và các công trình kiến trúc, điêu khắc.
Ví dụ 2: bài 12- Đời sống kinh tế văn hoá (lịch sử lớp 7)
Để thực hiện bài này ở phần I: Đời sống kinh tế (tiết 1)
Khi giúp học sinh tìm hiểu về sự chuyển biến của nền nông nghiệp (mục 1) chúng tôi cho học sinh thảo luận nhóm bằng hệ thống câu hỏi trong đó có câu: Để phát triển sản xuất nhà Lý đã tổ chức việc khai thác các điều kiện tự nhiên (đất, các loại cây trồng) như thế nào?
Sau khi học sinh trình bày kết quả, giáo viên kết luận vấn đề và nêu câu hỏi: Hiện nay ở địa phương em việc khai thác các điều kiện tự nhiên đó để phục vụ cuộc sống như thế nào? Để trả lời câu hỏi này học sinh phải liên hệ thực tế địa phương.
Sang mục 2 (thủ công nghiệp và thương nghiệp)
Sau khi tổ chức cho học sinh tìm hiểu về tình hình thủ công nghiệp và thương nghiệp giáo viên nêu câu hỏi: Theo em nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp có mối quan hệ với nhau không vì sao? (hoặc em hãy nêu mối quan hệ giữa thủ công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp)
Sau khi học sinh trả lời, giáo viên kết luận: Nông nghiệp phát triển tạo điều kiện cho thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển và ngươc lại khi thương nghiệp và thủ công nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Qua đó các em sẽ biết được sự phát triển của kinh tế sẽ có tác dụng nâng cao đời sống của con người (về tinh thần lẫn vật chất) làm cho đất nước giàu mạnh (Đây là môi trường sống)
Ở Phần II. Sinh hoạt xã hội văn hoá (tiết2)
Trong quá trình tổ chức cho học sinh tìm hiểu bài đến mục 2 ( Văn hoá, giáo dục) sau khi học sinh nêu được các thành tựu về văn hoá, giáo dục dưới thời Lý. Giáo viên nêu câu hỏi. Cảm Nghĩ của em về những thành tựu mà cho ông ta đã đạt được trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc dưới thời Lý? Để học sinh đi đúng định hướng của mình giáo viên cần gợi ý để các em nói lên được lòng tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn các di tích lịch sử, hiện vật lịch sử, văn hoá của địa phương, dân tộc
Ví dụ 3: bài 12- Những thành tựu chủ yếu và ý nghĩa lịch sử của cách mạng khoa học kĩ thuật sau chiến tranh thế giới hai ( lịch sử lớp 9)
Ở phần II: Ý nghĩa và tác động của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật.
Giáo viên nêu câu hỏi cho học sinh tìm hiểu Cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật có tác động gì đến con người và sản xuất ? Trước khi học sinh trả lời giáo viên gợi ý: Tác động về mặt tích cực và tiêu cực
Sau khi học sinh tìm hiểu trả lời, giáo viên liên hệ thực tế ở địa phương để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, khi mà công nghiệp phát triển, không xử lí tốt việc ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra
III./ Kết luận :
Để thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học lịch sử cấp trung học cơ sở, đối với mỗi giáo viên cần tuân thủ các bước cơ bản nói trên (các bước 1, 2, 3 là bước chuẩn bị ở nhà của giáo viên) trong đó bước 4 là yêu tố quyết định cho sự thành công của tiết dạy, đòi hỏi giáo viên phải lựa chọn phương pháp phù hợp và nội dung tích hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và cuộc sống hiện tại.
Qua thực tế vận dụng vào giảng dạy , chúng tôi nhận thấy học sinh đã có sự nhận thức sâu sắc về vấn đề môi trường và đã tích cực chung tay bảo vệ môi trường. Hiện tượng ăn quà vặt, vứt rác bừa bãi trong sân trường không còn nữa. Quang cảnh trường lớp ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, để học sinh hiểu sâu hơn về bảo vệ môi trường thì giáo viên cần định hướng cho học sinh tìm hiểu về những nội dung cần tích hợp như sưu tầm tranh ảnh, tìm hiểu thực tế, quan sát cuộc sống xung quanh ….
Trên đây là một số nội dung mà nhóm Sử trường chúng tôi đưa ra trao đổi cùng đồng nghiệp trường bạn, chắc còn nhiều vấn đề mà chúng tôi chưa đề cập. Mong đồng nghiệp chân thành đóng góp ý kiến.
Nhóm Sử Trường THCS Hoàng Văn Thụ