TUYÊN TRUYỀN SÁCH CHỦ ĐỀ ” TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO “
Giới thiệu sách chủ đề : “Tôn sư trọng đạo”
Hòa chung với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2016), được sự cho phép của ban giám hiệu nhà trường, cùng với sự phối hợp của Đội thiếu niên, Thư Viện trường THCS Hoàng Văn Thụ tổ chức giới thiệu sách trước cờ chủ đề “Tôn sư trọng đạo” trong buổi nói chuyện dưới cờ ngày 14 tháng 11 năm 2016.
Đến dự và tham gia chương trình có sự góp mặt của đại diện Ban giám hiệu nhà trường, cùng các thầy cô giáo trong hội đồng sư phạm và toàn thể học sinh của các khối lớp.
Sau phần giới thiệu thư mục chuyên đề “Nhà giáo nhân dân” của nhân viên thư viện còn có sự tham gia các em trong đội truyền viên thư viện giới thiệu một số cuốn sách trong thư mục. Các em không chỉ là giới thiệu những mẫu chuyện, cuốn sách hay viết về thầy cô giáo mà còn là những tình cảm thể hiện lòng “tri ân” cao quý nhất của các em đến các thầy cô.
Mỗi câu chuyện, cuốn sách có nội dung khác nhau, nhưng tất cả đều chung một thông điệp như một món quà tri ân gửi đến thầy cô nhân ngày 20/11. Qua đó, khơi dậy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc và thể hiện sự tri ân của các thế hệ học trò với thầy cô giáo.
Trong đó, nổi bật nhất là cuốn sách “Ngẩng đầu lên đi em” do nhà xuất bản giáo dục tái bản lần thứ nhất vào năm 2008.
Tác phẩm “ Ngẩng đầu lên đi em” là những câu chuyện thấm thía từ thực tế hoặc chưng cất từ thực tế để giáo dục đạo đức, cảm hóa học sinh.Bắt đầu với câu chuyện “ Ngẩng đầu lên đi em” (Đỗ Tiến Thụy), câu chuyện mang sắc màu kỳ diệu yêu thương. Tình yêu thương đã làm nên kỳ tích mà y học ngỡ đành lui bước. Cô học trò dị tật khớp cổ bị gọi tên Nghẹo đã trở thành thiếu nữ tên Nga xinh đẹp với chiếc cổ cao kiêu hãnh nhờ cô giáo Nhâm- người đã đón em về kèm dạy và yêu thương.Cô đã dùng tay giữ chiếc cổ “ bấy bớt” ngỡ không thể nào trụ nổi. Cô giữ rất lâu rồi khẽ buông một lát, tập dần cho Nga. Mỗi sáng cô cài cho Nga bông hoa hồng thắm. Bốn năm liền bao nhiêu bông hồng để khích lệ Nga không “ đổ cổ”làm rơi nát bông hoa đẹp- hoa mang tình cảm và hi vọng của cô giáo. Nga đã chửa được dị tật nhờ câu khích lệ chan chứa yêu thương mỗi giờ , mỗi ngày của cô Nhâm. “Ngẩng đầu lên đi em” vừa là lời động viên , lời thôi thúc và là một mệnh lệnh để thôi thúc học trò bước vào đời với một tư thế , một thái độ sống thẳng thắn, tự chủ hơn. Hay câu chuyện “ Tiết dạy cuối cùng” (Nguyễn Anh)lại đem đến những xúc động khác…Một thầy giáo đau ấu vì nghề, hết lòng say mê chuyên môn .Lo bàn giờ thao giảng mà bẵng quên bữa ăn gia đình, đi nhận giải thưởng giáo viên giỏi về gặp cướp “buông tha” và “biếu” thêm tiền vì nhận ra ông giáo nổi tiếng trong vùng. Thầy bị ung thư, sau lần mổ thầy chỉ còn da bọc xương nhưng thầy thèm dạy, “thầy nhớ học trò, thầy nhớ bục giảng đến cồn cào. Cho đến một lần, thầy cố chống gậy lê bước đến lớp”, thầy năn nỉ đồng nghiệp trẻ: “Nhớ lớp quá, cho anh dạy một tiết”. Những ánh mắt học sinh long lanh nước ngước nhìn thầy, rồi tất cả gục xuống bàn òa lên nức nở. Nước mắt thầy cũng trào ra, chiếc gậy rung rung…. Đó là tiết dạy cuối cùng trong đời của một nhà giáo yêu nghề. Nội dung các câu chuyện đã tạo nhiều cảm xúc cho buổi giới thiệu sách.
Buổi giới thiệu sách đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi giáo viên và học sinh, là nguồn động viên để các thầy cô giáo phấn đấu dạy tốt, học sinh phấn đấu học tốt, lập thành tích chào mừng ngày kỉ niệm trọng đại của nền giáo dục Việt Nam.